Kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2022): HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
GS,TS Đàm Đức Vượng
Việc
“học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xuất phát từ Chỉ
thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI. Đến ngày
15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII, ra Chỉ thị số 05-CT/TW: “Về đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị
05 có tính chất bổ sung cho Chỉ thị số 03. Chỉ thị số 03 chỉ nói về đạo
đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị số 05, nhấn mạnh đến tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh. Đó là điểm mới của Chỉ thị số 05. Ngày 18-5-2021, Bộ
Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận 01-KL/TW, về tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh.
Như vậy, đến nay, Bộ Chính trị các khóa đã có 3
văn kiện quan trọng (hai Chỉ thị và một Kết luận) về học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05 và Kết
luận số 01. Ba văn kiện quan trọng này đã trở thành giá trị tinh thần
của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Chỉ thị số 05 yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổ chức học tập quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Lãnh đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau, học đi đôi với làm bằng những hành động cụ thể. Xây dựng, tổng kết, nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giữa xây và chống.
Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII, khẳng định tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân. Xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, “xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Thật sự nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành, không tham những, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm tiêu cực, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh…
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương; góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Những kết quả nêu trên là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự thành công Đại hội XIII của Đảng, của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.