NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN VỀ KHOA HỌC TÂM LINH
GS,TS Đàm Đức Vượng
Có người hỏi tôi: “Có tâm linh không?”. Câu trả lời của tôi: “Có”. Lại hỏi tiếp: “Có khoa học tâm linh không?”. Câu trả lời của tôi: “Có”. Nhưng hiểu được cặn kẽ vấn đề tâm linh và khoa học tâm linh đâu phải ngày một, ngày hai. Giải thích thế nào người ta cũng nửa tin, nửa ngờ.
Năm 2015, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách của tôi: Khoa học về lý số (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời). Trong cuốn sách này, tôi đã có hẳn một chương (Chương 7) bàn về linh hồn – tâm linh – linh tính – thần giao cách cảm – may rủi cuộc đời.
Nghiên cứu về vấn đề tâm linh dưới góc độ khoa học hiện vẫn chưa ngã ngũ, đang còn có những ý kiến rất khác nhau. Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đưa ra khái niệm “chủ nghĩa duy vật tâm linh”, trong bài “Chủ nghĩa duy vật tâm linh, tại sao không?”. Theo Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, chủ nghĩa duy vật tâm linh là nghiên cứu ở cấp độ triết lý, bản chất chung nhất, linh diệu của chiều sâu tâm vũ trụ và tâm con người, cõi thiêng liêng của đời sống, ý thức tinh thần của họ trong đời sống xã hội loài người. Chữ “tâm linh” ở đây không phải là tính chất, mà là đối tượng. Tập trung nghiên cứu tâm linh ở cấp độ chiều dọc, chiều ngang. Về chiều dọc có vũ trụ - nhân sinh, gồm ba vấn đề là tâm vũ trụ; tâm của con người; cõi thiêng. Về chiều ngang, theo nghĩa rộng của tâm linh là toàn bộ đời sống tinh thần, thể hiện ở chiều sâu tâm diệu, linh diệu, cao cả của nó. Ở góc độ hẹp nhất của tâm linh là nghiên cứu vấn đề sau cái chết, không chỉ là vấn đề linh hồn mà cả tín ngưỡng thờ phụng.
“Từ điển tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ học, bản in năm 2006, xác định nghĩa của tâm linh là “tâm hồn, tinh thần”; khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình. Tôi cho rằng, định nghĩa này là có cơ sở khoa học, tuy chưa đầy đủ. Tôi chỉ xin thêm hai chữ nữa: “tâm lý”, thành “tâm hồn, tinh thần, tâm lý”.
Qua nghiên cứu, tôi thấy rõ có vấn đề tâm linh trong cuộc sống con người. Nó giống như không khí, không nhìn thấy, không sờ thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, nhưng lại có thật. Nó cũng giống như chiếc máy vi tính. Khi ta e.mail (thư điện tử) từ Việt Nam sang Nga, sau khi làm xong các thao tác, chỉ “nháy” một cái là bức thư ta viết đã đến nước Nga xa xôi theo đúng địa chỉ người nhận. Trong quá trình chữ đi từ Việt Nam sang Nga, ta cũng không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, nhưng lại là có thật. Có điều là không khí đã được chứng minh bằng khoa học, khi thiếu nó trong trạng thái chân không thì con người tắt thở ngay tức khắc. Thư điện tử cũng đã được chứng minh bởi sóng từ trường. Còn tâm linh hiện vẫn đang còn là suy đoán, phán đoán. Tuy nhiên, nó cũng có thật như không khí, thư điện tử, vì cũng được tạo ra từ sóng từ trường. Khi một người trong gia đình chết, thì người cũng trong gia đình đó đang ở xa, rất xa, thậm chí ở nước ngoài, thấy nháy mắt liên tục, hoặc trong người tự nhiên thấy bứt rứt, bồn chồn, ù tai, lo lắng như có cái gì đó sắp hoặc đang xảy ra đối với người thân của mình và của chính mình. Đó là tâm linh. Hiển nhiên, tâm linh không chỉ giới hạn ở đó, mà còn được mở rộng ra ở toàn bộ đời sống tinh thần.
Khi đời sống trở nên đa dạng, phức tạp, phiền não, thì con người nghĩ đến tâm linh. Đã có nhiều vị vua chúa, triệu phú, tỷ phú dám từ bỏ tất cả tài sản để tu hành khi mạng sống của họ bị đe dọa bởi bệnh tật, vì họ biết không thể ôm lấy tài sản, rồi chết. Nếu từ bỏ được tất cả ham muốn, những dằn vặt, đầu óc sẽ trở nên thoải mái, thanh thản và yêu đời, sống thêm được một thời gian nữa.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Tâm linh chính là khả năng đoán trước được những hiện tượng, sự kiện xảy ra đối với xã hội và con người; một linh tính nào đó sẽ xảy ra đối với con người. Tâm linh là tâm hồn, là một bộ phận của đời sống tinh thần, đời sống tâm lý. Khi nào chúng ta đặt vấn đề tâm linh là một bộ phận của đời sống tinh thần thì khi ấy tâm linh trở thành khoa học. Vật chất chính là Trái Đất mà chúng ta đang sống hiện nay. Các hiện tượng tự nhiên, của cải xã hội, của cải gia đình, của cải của từng cá nhân đều là vật chất. Nguyên tử, tế bào sống, thể hữu cơ,...đều là những hình thái khác nhau của vật chất. Con người vừa là vật chất, vừa là tinh thần. Trong thời gian, vật chất là vĩnh viễn, trong không gian, nó là vô tận. Ph.Ăngghen nói đại ý: “Trừ vật chất biến hóa vĩnh viễn, vận động vĩnh viễn và những quy luật mà vật chất dựa vào để vận động và biến hóa thì không có cái gì là vĩnh viễn cả”1. Tinh thần, theo nghĩa rộng là khái niệm đồng nhất với quan niệm, với ý thức, là hình thức hoạt động tâm lý cao nhất; theo nghĩa hẹp, thì tinh thần đồng nghĩa với tư duy. Triết học cổ đại coi tinh thần là sự hoạt động lý luận. Chẳng hạn, Arixtốt, nhà triết học cổ và học giả bách khoa, người Hy Lạp, đã chứng minh tinh thần là hình thức hoạt động cao nhất của tư duy lý luận. Các nhà triết học cổ đại và trung đại coi tinh thần chính là niềm tin và tâm linh cũng chính là niềm tin của con người vào một cái gì đó, mặc dù cái đó không nhìn thấy. Đối với các nhà duy vật cổ đại, tinh thần là một bộ phận có lý tính nhất của linh hồn, tâm linh, tưới khắp cả thể xác. Các nhà triết học thế kỷ XVII, XVIII như Hôbơ, Lốccơ, Lamếtơri hiểu tinh thần chỉ là sự kết hợp của những cảm giác, là sự biến dạng của nhận thức cảm tính. Chủ nghĩa duy vật biện chứng bác bỏ quan niệm coi tinh thần là một cái gì đó tồn tại độc lập với vật chất. Đời sống tinh thần của xã hội - ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội; đồng thời, nó cũng tích cực tác động đến tồn tại xã hội, đến hoạt động thực tiễn và hoạt động tinh thần của loài người. Các nhà triết học Đức thế kỷ XVIII, XIX đã nhấn mạnh tính tích cực của tinh thần, xem xét tinh thần theo góc độ của hoạt động tự ý thức. Chẳng hạn, nhà triết học lớn người Đức Hêghen hiểu tinh thần chính là ý thức và tự ý thức, nó được thực hiện trong lý tính, là sự thống nhất của hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận. Tồn tại của tinh thần được biểu hiện bằng nhận thức. Tồn tại của tâm linh cũng được biểu hiện bằng nhận thức. Khi ta xem tivi, nghe đài, xem biểu diễn âm nhạc,... đều là sinh hoạt tinh thần, cũng như khi ta lên chùa cúng Phật, lên đền cúng Thánh, lên thánh đường nghe giảng đạo, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đến gặp thầy đoán số mệnh,... đều là sinh hoạt tâm linh, và như vậy, tâm linh cũng là tinh thần. Trong vũ trụ, trời đất bao la, có cái không mùi vị, không màu sắc, không gây tiếng ồn, ta không nhìn thấy, nhưng lại có thật 100%, như không khí chẳng hạn, mà nếu thiếu nó thì con người tắt thở. Người đời xưa coi không khí là tâm linh. Ngày nay, khoa học đã chứng minh không khí gồm có khí nitơ và khí ôxy hỗn hợp.
Mỗi một hiện tượng như nháy mắt, ù tai, sự báo mộng, trong dạ bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên,... cũng là những dấu hiệu của tâm linh. Tìm mộ liệt sĩ và người mất tích cũng là tình cảm và tâm linh. Tâm linh không phải là mê tín, bịp bợm, nhảm nhí, mà là cái gì đó mang vẻ thần bí, những rõ ràng là có. Tâm linh là cái vô hình, không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, cái mà chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, nhưng là cái có thật trong không gian bởi hiện tượng của nó. Từ đó mà suy ra tâm linh là cái không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, như không có cảm giác, nhưng thật ra lại có cảm giác, cái có thật, vì trong người chúng ta cũng có điện từ trường. Trong lúc chưa chứng minh được tâm linh bằng khoa học, thì chúng ta hãy tin vào những hiện tượng, sự kiện có thật đã xảy ra trong thế giới tâm linh.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Báo “Giáo dục và Thời đại”, số ra các ngày 24 và 25-12-2013, thấy đăng bài: “Uri - Điệp viên tâm linh 007” của tác giả Nguyễn Thành Minh (Theo Giải mã Hồ sơ tuyệt mật NSA), kể lại chuyện một điệp viên tâm linh nổi tiếng, tên là Uri Geller (xin được viết tắt là UG - ĐĐV). UG sinh ngày 20-12-1946 (năm Bính Tuất), tại Tel Aviv, trong một gia đình mà cha và mẹ đều là người Do Thái. UG là một nhà tâm linh nổi tiếng thế giới, thông qua các buổi biểu diễn trên truyền hình và sân khấu với khả năng phi thường, có nghĩa là UG đã dùng ý chí để uốn các đồ vật, dùng tâm linh để mô phỏng những đồ vật bị giấu kín và có khả năng đọc ý nghĩ của người khác. Với khả năng kỳ diệu này, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã sử dụng Ông như một điệp viên, gọi là “Điệp viên tâm linh James Bond”, không có sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ cao, mà chỉ dùng sức mạnh của trí não để hoàn thành các sứ mệnh bất khả thi, trong những nhiệm vụ đặc biệt mà Mossad giao cho Ông. Có một lần, vào đầu năm 1960, UG tình cờ hỏi một người không quen biết: “Chú không phải là một nhà khảo cổ học. Chú là một điệp viên của Israel phải không”? Người đàn ông được hỏi giật mình, toát mồ hôi vì câu hỏi đầy bất ngờ và trúng tim đen của ông ta. Sau khi trấn tĩnh lại, ông ta hỏi: “Làm thế nào mà cháu biết”? UG trả lời: “Cháu có thể đọc được suy nghĩ của người khác và có thể nhìn thấy trong túi áo của chú có những gì”? Sau một vài thử nghiệm tại chỗ, cơ quan tình báo Israel đã đưa ngay UG về làm việc tại cơ quan tình báo Mossad. UG có khả năng hướng một nguồn năng lượng tâm linh rất mạnh của mình vào bất cứ bộ não nào của người khác để thôi miên, làm thay đổi suy nghĩ và cuối cùng, khiến hành động của họ tuân theo sự điều khiển của mình. Do tập luyện một cách chăm chỉ và nhẫn nại, khả năng tâm linh và thôi miên của UG ngày càng phát triển, bởi UG luôn luôn từ chối làm bất cứ điều gì đen tối, mờ ám, tiêu cực, cho dù Ông được xem là “điệp viên đặc biệt” của Mossad, CIA, FBI, M16,... Vào năm 1976, Ông đã tình nguyện tham gia chiến dịch giải cứu con tin ở Uganda bằng cách dùng ý nghĩ làm tê liệt hệ thống rađa tại sân bay Entebbe, nhằm giúp biệt kích Israel giải cứu thành công con tin tại đây, và sau này, một lần nữa, như vậy, tại Paris, thủ đô nước Pháp. Trong cuộc chiến chống việc phổ biến vũ khí hạt nhân, UG được xem là “máy đo phóng xạ sống”, người biết sử dụng khả năng ngoại cảm để xác định vị trí một số cơ sở hạt nhân, kho vũ khí hủy diệt bí mật nằm ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Những mục tiêu mà UG chỉ ra để không quân tiến hành các cuộc không kích đều được tình báo của Mỹ xác định là ở đấy có một lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho việc sản xuất nguyên liệu cấp độ vũ khí nhằm chế tạo ra vũ khí hạt nhân. Cống hiến lớn nhất của UG cho nhân loại là góp phần làm chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc lúc ấy là Mỹ và Liên Xô. UG được CIA, FBI, NASA để mắt đến rất sớm khi quân đội Mỹ thử nghiệm một chương trình bí mật kéo dài trong hơn 20 năm nhằm đào tạo hàng chục đặc vụ tâm linh có khả năng nhìn từ xa tại một cơ sở bí mật ở Fort Meade, nằm ngoài Washington DC. Fort Meade còn là trụ sở của NSA. Các đặc vụ tâm linh sau khi đào tạo sẽ trở thành những người có khả năng “nhìn thấy” những thứ cần tìm kiếm ở cách xa hàng nghìn dặm, như tìm kiếm các căn cứ quân sự bí mật của Moscow nằm trong và ngoài lãnh thổ Liên Xô, và vẽ ra những gì họ nhìn thấy, để sau đó, chuyển cho CIA nhằm xác định bằng thực địa. Vào đầu những năm 70, Viện Nghiên cứu Stanford, California, Mỹ, đã được CIA tài trợ cho một chương trình thử nghiệm riêng chỉ dành cho một đối tượng - UG - nhằm “cân bằng cuộc chiến tranh tâm linh với các điệp viên Liên Xô”. Vào thời điểm đó, người Mỹ đang bị người Nga hạ đo ván trong cuộc “chạy đua tâm linh” để tạo ra một chương trình nghiên cứu vũ khí huyền bí là “vũ khí tâm linh”. Mỹ và Israel kêu gọi sự cống hiến của UG như một nhân tố tích cực để làm tan cuộc chiến tranh lạnh ngày càng trở nên băng giá hơn. Một lần, UG được mời tới thăm Bộ Ngoại giao và người đứng đầu Ủy ban Hoa Kỳ về quan hệ đối ngoại. Tại đây, nhà chức trách đã yêu cầu UG dùng mọi khả năng để ép người đứng đầu phái đoàn Liên Xô ký vào Công ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. UG đã tạo điều kiện để có khoảng cách tiếp xúc gần và dùng năng lượng tâm linh “bắn” vào bộ não của nhà đàm phán hàng đầu của Nga tại Geneva. Bằng thuật thôi miên, UG đã gửi “thông điệp hòa bình” của mình vào đầu óc đối phương. Nhưng kết quả về vấn đề này ra sao thì chưa rõ. Phải chăng UG đã thành công trong sứ mệnh được giao hay Moscow đã ý thức được sự cân bằng hạt nhân là cần thiết cho an ninh thế giới, nên cuối cùng, điều ước quốc tế quan trọng nhất nhằm ngăn chặn thảm họa hủy diệt Trái Đất bằng vũ khí hạt nhân đã được Liên Xô ký. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh lạnh, Moscow đã biến Đại Sứ quán Liên Xô tại Mêhicô thành trung tâm nghe trộm ở khu vực Mỹ latinh và UG được phái tới đây để vô hiệu hóa kết quả do thám tình báo nghe trộm. Bằng cách ngồi cạnh các nhân viên KGB3 trên cùng một chuyến bay, UG đã dùng ý nghĩ xóa sạch các dữ liệu cực kỳ nhạy cảm lưu trong đĩa mềm để trong một vali của nhà tình báo Liên Xô. Sau khi các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, xảy ra tại Trung tâm Thương mại quốc tế Mỹ và Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, do trùm khủng bố Bin Laden chỉ huy thực hiện bằng ba chiếc máy bay Bôing, một lần nữa, UG lại được mời tham dự các chương trình “săn lùng trùm khủng bố Bin Laden”. Vẫn giữ nguyên tắc nghề nghiệp trong suốt hơn 40 năm qua, vừa làm nghệ thuật, vừa làm tình báo, UG không thích dùng khả năng trời phú để hại người, nhưng vẫn sẵn sàng giúp các nước tìm kiếm nguồn khoáng sản thiên nhiên dù nằm ở biển sâu hay rừng rậm để phục vụ mục đích phát triển kinh tế. Vừa qua, đạo diễn điện ảnh Vikram Jayanti, người từng đoạt giải Oscar cho biết kiệt tác “Wen We Were Kings” (“Khi nào chúng tôi biết vua ở đâu”) đã cho ra mắt bộ phim “Cuộc đời bí mật của Uri Geller - có thật là điệp viên tâm linh”? Công trình điện ảnh này là “biên niên sử sống” mới nhất của Vikram Jayanti để lý giải vì sao Uri Geller (UG) được xem là nhà tâm linh vĩ đại và cống hiến của Ông đáng được nhân loại ghi ơn bằng một giải thưởng danh giá: Nobel Hòa bình. Ở vào độ tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, Uri Geller vẫn còn sung mãn cho những sứ mệnh bí mật nhất của thế kỷ.
Trong sách “Hành trình về phương Đông”, giáo sư Blair T.Spalding kể lại câu chuyện về vị đạo sư Vishudha, người Ấn Độ, có nhiều phép thuật mắt thấy tai nghe. Trong đoàn khảo sát tâm linh tại Ấn Độ của các nhà khoa học Anh gồm giáo sư Blair T.Spalding, giáo sư Allen, giáo sư Oliver, giáo sư Mortimer, tiến sĩ Kavir,... Khi tiếp xúc với đoàn các nhà khoa học Anh, đạo sư Vishudha yêu cầu giáo sư Oliver cho mượn một cái khăn tay và một cái kính lúp. đạo sư Vishudha giơ chiếc kính lên ánh sáng Mặt Trời chiếu lên chiếc khăn tay và nói: “Tôi sẽ thu hút các mùi hương trong không khí, các ông thích mùi gì?”. Đoàn các nhà khoa học Anh đều nói họ thích mùi hoa lài. Đạo sư Vishudha trao trả chiếc khăn cho giáo sư Oliver. Một mùi hương phảng phất khắp phòng và ai cũng biết đó là mùi thơm của hoa lài. Mọi người quan sát kỹ chiếc khăn, nó không hề ướt hay có dấu hiệu gì, rằng, người ta đã nhỏ vào đó một chút dầu thơm. Như đoán được ý nghĩ của mọi người, đạo sư Vishudha yêu cầu giáo sư Mortimer đưa ra một chiếc khăn tay khác. Đạo sư Vishudha nói: “Bây giờ các ông hãy chọn một mùi hoa gì đặc biệt của xứ các ông mà không hề có tại xứ Ấn Độ?”6. Giáo sư Mortimer muốn mùi hoa tulíp (hoa uất kim hương). Đạo sư Vishudha mỉm cười giơ chiếc kính lúp lên ánh sáng Mặt Trời chiếu vào chiếc khăn, và lần này, mùi hoa tulíp lại thơm nồng khắp phòng. Các nhà khoa học Anh còn yêu cầu nhiều mùi hoa và lần nào cũng được đáp ứng đúng với yêu cầu; thậm chí đến cả những mùi thuốc hóa học, những mùi axít trong phòng thí nghiệm, đạo sư Vishudha cũng có thể làm được. Mọi người quan sát kỹ xem đạo sĩ Vishudha có giấu gì dưới lớp áo choàng không. Đạo sĩ Vishudha biết ý, liền vén tay áo lên để chứng tỏ Ông không hề làm trò ảo thuật hay cất giấu hương liệu gì đặc biệt trong người. Các nhà khoa học Anh đề nghị giải thích hiện tượng này. Đạo sư Vishudha nói rằng, đó chỉ là một môn khoa học gọi là Thái dương học. Ánh sáng Mặt Trời chứa đựng mọi năng lực rất mạnh, nếu ta biết chọn lựa và cô lập nó, ta có thể tạo mọi vật theo ý muốn. Theo đạo sĩ Vishudha, thì khoa Thái dương học xuất xứ từ Tây Tạng ở một thời đại xa xôi, khi Ấn Độ còn là một hòn đảo và rặng Hy Mã Lạp Sơn còn là một bờ biển. Để thỏa mãn hơn nữa tính tò mò của các nhà khoa học Anh, đạo sĩ Vishudha đứng dậy bước đến bên một chậu hoa gần đó. Mặc dù chậu nở đầy hoa, nhưng trong đó có một số hoa đã tàn. Vishudha giơ chiếc kính lúp chiếu vào các hoa héo. Lập tức, những hoa khô héo đều trở lên tươi tốt, thơm tho. Đạo sư Vishudha giơ chiếc kính lên chiếu vào lòng bàn tay Ông. Một chùm nho tươi tốt bỗng xuất hiện. Ấn Độ là xứ nhiệt đới, không trồng được nho, hơn nữa, lúc đó đang vào mùa đông, các cây nho bên châu Âu cũng đều khô héo. Đạo sư Vishudha đưa chùm nho cho giáo sư Allen xem và nói: “Đây là giống nho Pajouti chỉ mọc ở miền Nam nước Ý, không hề xuất cảng. Mùi của nó thơm, nhưng vị hơi chát”7. Mọi người xúm lại xem chùm nho. Có một số người ngắt vài quả ăn, như sợ rằng, đó chỉ là ảo tưởng. Khi ăn xong mới biết đây đúng là nho thật chứ không phải nho giả. Đạo sư Vishudha nói rằng, chuyện này đã có trong Kinh Thánh. Đó là chuyện Đấng Christ (Chúa Giêsu) hỏi Thánh Phillip ở thành Galileo: “Chúng ta sẽ mua bánh mì ở đâu?”8. Ngài hỏi vậy là để chỉ cho các tín đồ rằng, người ta có thể tạo ra bánh mì bằng sức mạnh của tinh thần. Điều Chúa Giêsu muốn nói là khi ta đã sống với tâm thức của chân ngã, thì người ta không còn thiếu sót hay gò bó vào một giới hạn nào nữa. Chúa Giêsu đã bẻ bánh mì và bảo tông đồ hãy phân phát cho mọi người. Khi tất cả ăn no rồi mà vẫn còn dư đến 10 rổ bánh. Chúa Giêsu dạy rằng, trong thiên nhiên có chất liệu làm đủ mọi vật, và người ta có thể tìm lương thực trong đó. Chúng ta chỉ cần rút các chất liệu này để tạo ra mọi thứ cần dùng. Khi đạo sư Vishudha vừa dứt lời, đưa tay ra, một ổ bánh mì hiện lên trên tay Ông, làm tất cả mọi người ngạc nhiên. Rồi đột nhiên, ổ bánh mì lại biến mất. Đạo sư Vishudha giải thích rằng, ở đây, có hàng trăm đạo sĩ, pháp sư có thể làm những chuyện đó. Những phép lạ này, các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được, mặc dù biết đây không phải là trò ảo thuật. Đạo sư Vishudha cho rằng, làm sao có thể cho những người phương Tây đang bận rộn với mưu sinh tại New York hay London, biết rằng, ở phương Đông có những bí mật vô tận, những triết lý cao cả mà người phương Tây không thể hiểu. “Tư tưởng phương Đông đã vượt xa, rất xa những tư tưởng tiến bộ nhất của phương Tây”9. Lời nói của đạo sư Vishudha khiến cho mọi người suy nghĩ rất nhiều. Lúc đầu, ai cũng mong ghi nhận những phép lạ mà các đạo sư, đạo sĩ Ấn Độ trình diễn để nghiên cứu, nhưng trước những sự kiện mà khoa học không thể giải thích, ai nấy có vẻ bối rối, không biết phải làm gì, phải giải thích bằng cách nào để chứng minh những phép lạ đó bằng khoa học.
Tại Ấn Độ, có một đạo sĩ dòng tu Swami, tên là Harishchandra, thường ngao du khắp nơi, rất ít khi ở một chỗ. Lần này, vị đạo sĩ này ghé thăm đoàn các nhà khoa học Anh sang khám phá Ấn Độ. Đạo sĩ Harishchandra có thân hình cao lớn, đôi mắt sáng ngời. Ông cho biết tuổi của Ông đã quá 100 và tin rằng, Ông sẽ còn sống ít ra vài chục năm nữa. Có người hỏi Ông tại sao nghĩ mình sẽ sống lâu như thế? Ông nói tại vì lúc này khả năng sáng tạo của Ông rất mạnh. Ông tin rằng, với bộ óc còn linh hoạt như một thanh niên, Ông có thể sẽ còn sống rất lâu. Harishchandra không những là một đạo sư Yoga mà còn là một nghệ sĩ. Ông ấy có thể sử dụng tất cả nhạc khí cổ điển cũng như tân tiến. Ông còn vẽ tranh, nặn tượng, làm thơ,... Tóm lại, chả có bộ môn nghệ thuật nào mà Ông không biết. Ông nhận định rằng, nghệ thuật mà tách khỏi cuộc sống thì chỉ là một thứ phô diễn mà thôi. Nguồn cảm hứng không phải mời gọi mà được, mà là một rung động tự nhiên. “Một nghệ sĩ chân chính là người thực sự vượt qua các hư ảo của bản ngã, của danh vọng và ý thức cái đẹp của nghệ thuật như một thực tại”11.
Bản thân tôi (Đàm Đức Vượng, Tác giả cuốn sách này) đã được tận mắt chứng kiến tài đoán chữ của pháp sư Minh. Chuyện là có lần tôi được võ sư Nguyễn Khắc Trịnh mời đến một nhà hàng ăn uống ở phố Lê Văn Thiêm, Hà Nội. Đến nơi, ngồi vào bàn, võ sư Nguyễn Khắc Trịnh giới thiệu với tôi một người tên là pháp sư Minh. Pháp sư Minh là một con người mảnh khảnh, cao khoảng 1 mét 65, tuổi khoảng ngoài 50, mặc bộ đồ nâu, đầu cạo trọc. Qua vài lời tiếp xúc, pháp sư Minh hỏi tôi: “Ông có muốn tôi đoán chữ không”? Tôi trả lời: “Có”. Rồi pháp sư Minh đưa cho tôi một mẩu giấy, bảo tôi viết 5 chữ, tùy ý. Pháp sư Minh dặn tôi là viết xong thì gấp nhỏ mảnh giấy lại, càng nhỏ càng tốt và đặt nó vào trong một cái cốc không có nước, úp xuống. Tôi viết 5 chữ: “Chữ tâm ở trái tim”. Trong lúc tôi viết, pháp sư Minh và mọi người đều ra cầu thang đứng chơi và hút thuốc. Viết xong, tôi gấp nhỏ lại rồi úp cái cốc không có nước lên mẩu giấy đó. Tôi mời pháp sư Minh vào. Giấy vẫn để nguyên trong cốc úp. Pháp sư Minh đọc luôn: Đó là 5 chữ: “Chữ tâm ở trái tim”. Tôi rất ngạc nhiên, đúng 100%. Như vậy, rõ ràng, pháp sư Minh đã đoán được suy nghĩ của tôi trong đầu óc. Pháp sư Minh còn cho tôi biết là Ông có khả năng làm cho hoa héo thành hoa tươi như đạo sĩ Ấn Độ Vishuda đã làm, và có khả năng đọc chính xác các tài liệu để trong hòm sắt. Từ đấy, pháp sư Minh mấy lần qua lại nhà tôi trò chuyện. Mỗi lần đến, pháp sư Minh đều gọi cho tôi báo trước và tôi cũng thường xuyên trao đổi qua điện thoại với pháp sư Minh.
Những chuyện tôi dẫn ra trên đây, đó chẳng phải là tâm linh sao? Tôi đã đọc cuốn sách: “Những chuyện về thế giới tâm linh” của tác giả Trần Ngọc Lân (Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin, bản in lần thứ hai, Hà Nội, 2006). Đây là cuốn sách viết dựa trên những kết quả đi tìm mộ liệt sĩ, toàn là những chuyện có thật. Hy vọng sẽ có nhiều cuốn sách như thế.
Một bằng chứng nữa để nói tâm linh là có thật ở chỗ có rất nhiều người tin vào tâm linh, nhà khoa học có, nhà quản lý đất nước có, nhà doanh nghiệp có, những người thường dân có. Xin dẫn ra câu chuyện về ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng thống Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời kỳ nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông ta là một người vô cùng tin vào thế giới tâm linh, được liệt vào hàng bậc nhất trong các đời Tổng thống của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau vụ Ngô Đình Diệm bị ám sát, Nguyễn Văn Thiệu trở nên ngày càng lo lắng. Bởi vậy, Ông đã dùng mọi cách từ bạo lực đến tâm linh hòng hy vọng sẽ giữ được vị trí của mình. Để mị dân, Nguyễn Văn Thiệu đã đổi ngày sinh, tháng sinh, năm sinh của mình từ ngày 5-4-1923 thành ngày 24-12-1924. Theo một nhà tướng - số mách bảo, thì năm 1924 là năm Giáp Tý, ngày 24 cũng là ngày Tý, tháng 12 cũng là tháng Tý, còn được gọi là “tam tý vương” chỉ sự hưng thịnh, cát tường. Nguyễn Văn Thiệu đã dùng ngày sinh giả này để thêu dệt về một “chân mệnh đế vương” mà “Trời” đã ban cho Ông. Bên cạnh Nguyễn Văn Thiệu có ba nhà Tử vi nổi tiếng là Huỳnh Liên, Huỳnh Sơn, Minh Nguyệt chuyên xem Tử vi cho Ông. Tuy nhiên, Ông vẫn mời thêm một thầy địa lý nổi tiếng là “Chiêm tinh Cốc quỷ” tận Hồng Công sang để xem xét long mạch. Vị này phán, cần thiết phải trấn yểm tại vị trí Công trường chiến sĩ trận vong, tức hồ Con Rùa. Có lần, ông Thiệu đã cho trấn yểm hòn đá Dao trên núi Đá Chồng ở Phan Rang, quê hương của Ông và xây dựng hồ Con Rùa mô phỏng Bát quái đồ để chấn trạch long mạch Sài Gòn. Năm 1974, hòn đá Dao đột nhiên vỡ đôi lăn lông lốc xuống chân núi. Nguyễn Văn Thiệu vô cùng kinh hãi trước hiện tượng này và trong vòng một năm sau, Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức bị lật đổ trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng vào Sài Gòn, kéo theo sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Bên cạnh những người sùng bái tâm linh là những người cho rằng không thể có tâm linh. Có lần, tôi đã hỏi một vị cán bộ về tâm linh, ông này trả lời: “Nhảm nhí, nhảm nhí, làm gì có tâm linh”. Tôi hỏi vì sao lại không có tâm linh? Ông này không trả lời được. Cho hay, ở trên đời, cái gì chưa rõ thì không nên phủ nhận nó. Ai đó phủ nhận những cái gì chưa rõ là phản khoa học.
------
1 Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, bản tiếng Pháp, Paris, 1952, tr. 46.
2 “Chiến tranh lạnh” là cuộc “chiến tranh” diễn ra không có vũ khí, nhưng âm ỉ, âm thầm, rất căng thẳng trong quan hệ giữa các nước đối lập, thể hiện ở thái độ thù địch và các cuộc chạy đua vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, tuyển binh, xây dựng căn cứ quân sự, tranh thủ đồng minh, giành giật nguyên liệu chiến lược, trong đó có dầu mỏ,...để chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nóng” bằng vũ khí, vũ lực. Chiến tranh lạnh thường diễn ra ở nhiều nước và nhiều thời kỳ khác nhau. Hiện nay, quan hệ tranh chấp đảo đang diễn ra, cũng là một dạng của chiến tranh lạnh. Từ chiến tranh lạnh mà chuyển sang chiến tranh nóng, có khi xảy ra đột biến, chỉ trong gang tấc.
3 KGB là cơ quan tình báo của Liên Xô trước đây.
4 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, tr. 118.
5 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 119.
6 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 119.
7 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 121.
8. Giáo sư Blair T. Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 121.
9 Giáo sư Blair T. Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 126.
10 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 128.
11 Giáo sư Blair T.Spalding: Hành trình về phương Đông, sđd, tr. 128.
12 Xem bài của Bá Nguyễn: Hòn đá Dao sập đổ và câu chuyện trấn yểm long mạch của Nguyễn Văn Thiệu, http://www.nhantainhanluc.com/2014/12.
12 Xem bài của Bá Nguyễn: Hòn đá Dao sập đổ và câu chuyện trấn yểm long mạch của Nguyễn Văn Thiệu, http://www.nhantainhanluc.com/2014/12.