Mới cập nhật

Sự thật về ông vua Bảo Đại

GS,TS Đàm Đức Vượng


Sự thật, Vua Bảo Đại là nhân vật thế nào, đã có nhiều người viết về ông vua này một cách khác nhau. Cũng đã có hẳn một cuốn sách viết về Vua Bảo Đại. Tôi thấy cần phải trao đổi cho rõ về nhân vật này.

Vua Bảo Đại (1913 - 1997) - Ảnh: tư liệu

Vua Bảo Đại tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (còn gọi là Nguyễn Vĩnh Thụy), tên húy là Nguyễn Phúc Thiển (Niên hiệu Bảo Đại xuất hiện trong lúc ông đang học ở Pháp), sinh ngày 22-10-1913 (tức ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu). Khi lên 9 tuổi, ông đã được Khâm sứ Huế là Charles nhận làm con nuôi và đưa sang Pháp học tại Trường chuyên ngành khoa học chính trị Lycée Condoreet pui Sciences Politique, Paris.

Ông bà Charles và hai người con nuôi Vĩnh Thụy, Vĩnh Cẩn

Thái tử Vĩnh Thụy tại Pháp

Ngày 8-1-1926. Bảo Đại về nước chịu tang cha là vua Khải Định và làm lễ đăng quang ngôi vua do Toàn quyền Đông Dương sắp đặt, xong rồi trở lại Pháp tiếp tục học tập. Năm ấy, Bảo Đại mới 13 tuổi. Trong thời gian không có Vua ở trong nước, Triều đình Huế do một Hội đồng Phụ chính điều hành, quan đại thần Nguyễn Hữu Bài đứng đầu.

Lễ đăng quang của Vua Bảo Đại
 
Sau 10 năm học tập ở Pháp, ngày 16-8-1932 (Nhâm Thân), Bảo Đại xuống tàu biển về nước. Đầu tháng 9-1932, Bảo Đại về tới Huế, tiếp tục làm vua. Ngày 10-9-1932, Bảo Đại ra Đạo dụ số 1, tuyên bố chấp chính.

Vua Bảo Đại ngồi trên ngai vàng trong điện Thái Hòa

Do sự sắp xếp của nhà cầm quyền Đông Pháp, ngày 20-3-1934 (Giáp Tuất), Bảo Đại cưới Nguyễn Hữu Thị Lan (Marie Thérèse) cực kỳ xinh đẹp, con gái điền chủ Nam Kỳ Nguyễn Hữu Hào, theo đạo Thiên chúa, mang quốc tịch Pháp. Sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan, Bảo Đại phong cho vợ làm Hoàng hậu, gọi là Nam Phương Hoàng hậu.

Chân dung Nam Phương hoàng hậu. (Ảnh: Zing News)

Tại Việt Nam, năm 1945 (Ất Dậu) nổ ra cuộc cách mạng tháng Tám. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tổng khởi nghĩa, đánh đổ phát xít Nhật và thực dân Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 22-8-1945, Việt Minh ra tối hậu thư, đòi Nhà Vua phải trao trả chính quyền cho nhân dân và hứa bảo đảm tính mạng, tài sản cho Hoàng gia; Nhà Vua phải trao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng với tất cả vũ khí, đạn dược; Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là Triều đình đã trao tất cả quyền bính cho cách mạng rồi; Nhà Vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng, tức là Việt Minh. Ngoài ra, Việt Minh còn yêu cầu Nhà Vua phải trả lời trước 13 giờ 30, ngày 22-8-1945 và cử ông Đổng lý Văn phòng (như chức Chánh Văn phòng của Triều đình) Phạm Khắc Hòe làm liên lạc giữa Nhà Vua và chính quyền cách mạng. Triều đình họp khẩn cấp và tất cả đều nhất trí đáp ứng mọi điều kiện của Việt Minh.

Ngày 28-8-1945, nhân dân Huế nhiệt liệt đón tiếp phái đoàn Chính phủ Trung ương vào Huế nhận cho Bảo Đại thoái vị. Phái đoàn này gồm các ông Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, Trưởng Đoàn; Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Thường trực Ủy ban Dân tộc giải phóng, Thành viên; Cù Huy Cận, Thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng, Thành viên.

Chiều ngày 30-8-1945 (Ất Dậu), trước hàng vạn nhân dân cố đô Huế tập trung trước cửa Ngọ Môn, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. “Bảo Đại đọc Lời thoái vị và nộp ấn, kiếm cho cách mạng. Đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Việt Nam”1.

Công dân Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Năm 1946 (Bính Tuất), Bảo Đại được tham gia phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trung Quốc đàm phán. Bảo Đại đã ở lại nước ngoài. Đến tháng 4-1949 (Kỷ Sửu), Bảo Đại được Pháp đưa về làm Quốc trưởng, sau bị Ngô Đình Diệm lật đổ.

Cố vấn Vĩnh Thụy (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ dự Tết Độc lập đầu tiên (1.1.1946) - Ảnh: tư liệu

Từ năm 1946 (Bính Thân), Bảo Đại sang Pháp sống lưu vong cho đến ngày 1-8-1997 (Đinh Sửu), thọ 85 tuổi (kể cả tuổi mụ).

Bảo Đại là ông Vua thứ 13 và cũng là ông Vua cuối cùng của Triều Nguyễn.

Vua Bảo Đại có một số tiến bộ. Được sự thúc giục của Việt Minh, đã trao ấn kiếm thoái vị để trở thành công dân của một đất nước Việt Nam độc lập. Nhà Vua đã có “Chiếu thoái vị” (sở dĩ có chiếu thoái vị này là do sự thúc giục của Việt Minh), trong Chiếu thoái vị, có một số điểm tiến bộ.

Tuy nhiên, Bảo Đại vẫn là ông vua theo Pháp xâm lược Việt Nam. Người viết bài ca ngợi Vua Bảo Đại cho rằng: “Vua Bảo Đại là người đau đáu với nước và sẵn sàng đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích Hoàng đế”, sự thật là một ông vua làm tay sai cho Pháp, được Pháp đào tạo và do Pháp dựng lên làm Vua. Ai bài Pháp, lập tức bị Bảo Đại cho nghỉ luôn, như trường hợp của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài… Nhà vua không những thân thực dân Pháp mà còn thân với phát xít Nhật, cụ thể là đã ủy thác cho Trần Trọng Kim hai lần đứng ra thành lập nội các thân Nhật.

Phải nói rằng, Bảo Đại là một tay ăn chơi có hạng, thích gái đẹp và săn bắn ở cao nguyên Trung phần. Ở ngôi Vua và Quốc trưởng gần 25 năm, nhưng thực tế không có mấy thời gian Bảo Đại làm việc đúng với chức trách của mình. Phần lớn thời gian, ông dành cho thể thao, săn bắn, vui chơi và giải trí cùng các người đẹp. Nhà Vua thuộc loại ăn chơi trác táng. Ngoài Nam Phương Hoàng hậu, Nhà Vua còn có nhiều mối tình trăng gió với nhiều người phụ nữ. Tính đến cuối đời, Bảo Đại đã có tất cả 8 người vợ và 13 người con. Người ta thấy ông sống và ăn chơi ở Tây nguyên nhiều hơn là làm việc ở Kinh thành Huế.

Tóm lại, Bảo Đại là ông vua bán nước, làm tay sai cho Pháp xâm lược Việt Nam. Những người đề cao Vua Bảo Đại, cho rằng, đó là một ông vua yêu nước là không đúng với lịch sử.

Triều đình Huế chỉ có 3 ông vua yêu nước là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.


------

1. Dẫn theo Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện Lịch sử Đảng, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 647.