Mới cập nhật

PHẨM CHẤT NGƯỜI CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH

GS,TS Đàm Đức Vượng


Gần đây, trên trang mạng đăng bài viết nhan đề: “Tám điều cơ bản của người cộng sản” của những người khác chính kiến, nhằm bôi nhọ những đảng viên cộng sản chân chính. Họ viết: “Đảng viên cộng sản và thành phần ăn theo gồm bọn thân cộng, nịnh cộng mà ta gọi chung là người cộng sản”: (1) Hoang tưởng. (2) Mị dân. (3) Lật lọng và xảo trá. (4) Bạo lực. (5) Tham lam. (6) Hèn hạ. (7) Ham thành tích. (8) Ngu dốt. Họ kết luận: “Tóm lại, 8 điều cơ bản nêu trên chính là “phẩm chất” của người cộng sản. Họ rất khác so với những người khác thuộc thế giới văn minh, và nói chung, họ không phải là con người”.

Những câu trích dẫn trên đây trong bài “Tám điều cơ bản của người cộng sản” là hoàn toàn xuyên tạc phẩm chất của người cộng sản chân chính. Trong bài viết này, tôi phân tích về bản chất người cộng sản chân chính để bác lại những luận điệu xuyên tạc của những người khác chính kiến.

Trước hết, phải nói ngay rằng, người đảng viên cộng sản chân chính là người không hoang tưởng, không mị dân, không lật lọng và xảo trá, không dùng bạo lực để trấn áp, không tham lam, không hèn hạ, không ham thành tích, không ngu dốt như những người khác chính kiến viết. Người đảng viên cộng sản chân chính là người thực hiện đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa là hình thức của ý thức xã hội và thực tiễn xã hội. Chức năng cơ bản của họ là bảo đảm năng lực hoạt động có tính chất lịch sử của xã hội, phối hợp lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, điều chỉnh về mặt xã hội những hành vi cá nhân. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa là một trong những biểu hiện của sự thống nhất tư tưởng, chính trị, đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Người cộng sản chân chính có đặc điểm là những yếu tố đạo đức phát triển không những trong lao động, mà cả trong mọi lĩnh vực sinh hoạt khác của hoạt động con người, trong các quan hệ gia đình, trong sinh hoạt hằng ngày, trong giao tiếp bình thường giữa con người với con người.



Người cộng sản chân chính hiểu rằng, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, xét về cơ sở và nội dung chủ yếu, thì đạo đức và luật pháp có những nhiệm vụ xã hội hoàn toàn giống nhau. Điều đó có nghĩa là các tiêu chuẩn và sự trừng phạt về mặt pháp luật đều do kết quả giáo dục đạo đức to lớn mà nên. Việc điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người về mặt đạo đức lại có ảnh hưởng to lớn đến sự tuân thủ của con người đối với các quy định của luật pháp. Người cộng sản chân chính hiểu rằng: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, mà làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho đất nước được độc lập, giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”1. “Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương”2. Người cộng sản chân chính: “Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”3. Người cộng sản chân chính hiểu rằng: Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Nếu không làm được như vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được nhân dân mà cũng không được nhân dân ủng hộ; chẳng những không nâng cao được trình độ của nhân dân lên mà cũng không biết được nhân dân nghĩ gì. Người cộng sản chân chính hiểu rằng: Mỗi công việc của Đảng phải giữ tính cách mạng, tính tổ chức và kỷ luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Người cộng sản chân chính họ hiểu rằng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng. Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng, Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”4. “Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”5. “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng”6. Một khi gặp lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì người cộng sản phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng. “Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”7.



Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, thì phải là người có nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng và nhân dân, do đó mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm đến nơi đến chốn. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn. Trí là đầu óc trong sạch, sáng suốt, hiểu biết lý luận, biết xem người, biết xét việc, biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng, có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát. Liêm là liêm chính, không tham địa vị, không tham tiền tài, không ham người tâng bốc mình, quang minh chính đại. “Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”8. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”9. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”10.


 

Trên đây là những vấn đề thuộc về bản chất và phẩm chất của người cộng sản chân chính. Đó là lẽ sống, lương tâm, danh dự của người cộng sản chân chính.

Tiếc rằng, bên cạnh những người cộng sản chân chính, còn có một số phần tử cộng sản cơ hội, vụ lợi, chỉ biết mình mà không biết người, tâng bốc mình lên và dìm người tài, đức xuống. Những phần tử cộng sản cơ hội này, trước sau cũng sẽ bị đào thải.

Còn những người uốn cong ngòi bút, vu cáo, bôi nhọ những người cộng sản chân chính, từ tốt bẻ thành xấu, nhất định bị dư luận xã hội lên án.


------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 289.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 289.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 289.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 290.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 290.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 290.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 291.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 292.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 292.

10.Hồ Chí Minh: Toàn tập,15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 292.

Từ “hủ hóa” ở đây có nghĩa là sa đọa.