Mới cập nhật

BÀN VỀ NHÂN QUẢ

GS,TS Đàm Đức Vượng



Một hạt nảy mầm gọi là nhân


Nhân biến thành cây cây sinh quả


Nhân thành quả quả lại có nhân


Lặp đi lặp lại biết bao lần.



Quả nào nhân ấy mấy ai lường


Nguồn gốc phát sinh mấy ai tường


Cái này được gọi là nguyên nhân


Cái kia lại trở thành kết quả.



Nguyên nhân đầy đủ khi phát sinh


Nó xảy ra trong mọi hoàn cảnh


Nguyên nhân đặc thù khi phát sinh


Nó xảy ra trong một hoàn cảnh.



Kết quả đầy đủ khi phát sinh


Nó xảy ra trong mọi hoàn cảnh


Kết quả đặc thù khi phát sinh


Nó xảy ra trong một hoàn cảnh.



Bắn vào quá khứ bằng súng lục


Tương lai bắn anh bằng đại bác1


Đó là nguyên nhân và hậu quả


Quy luật vận hành xưa và nay.



Anh qua đường chẳng vào nhà tôi


Mưa đá sấm rền đổ vào anh


Khách không vào vì nhà đóng cửa


Sấm rền mưa đá đổ vào tôi2.



Nhân quả đều có tính phổ biến


Và nó cũng có tính khách quan


Nó tồn tại bên ngoài ý thức


Độc lập với hiện thực khách quan.



Kết quả do nguyên nhân quy định


Tác động trở lại với nguyên nhân


Mối liên hệ giữa nhân và quả


Phụ thuộc lẫn nhau bởi quả nhân.



Làm quan phải nghĩ đến nhân quả


Vơ vét bạc tiền để giàu sang


Nhân tài vùi dập không trọng dụng


Sẽ bị người đời gọi quan tham!


Praha, Séc, đêm 24 - 3 - 2002


------


1. Phỏng theo câu nói của nhà thông thái Abutalíp, in trong cuốn sách của tác giả Raun Gamzatốp: Đaghextan của tôi, quyển 1, Nxb Cầu Vồng (Liên Xô trước đây), bản tiếng Việt, tr.9. Nguyên văn câu của Abutalíp: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

2. Raun Gamzatốp: Đaghextan của tôi, sách đã dẫn, tr. 290. Nguyên văn câu trong sách: “Ai qua đường nếu chẳng đỗ nhà tôi, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà anh, sấm rền mưa đá! Nhưng nếu khách không vui vì lều tôi không rộng mở, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà tôi, mưa đá sấm rền”. 

Lời Tác giả:  Nhân quả là một phạm trù triết học. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói đến nhân quả, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng nói đến nhân quả. Nhiều nhà triết học cũng bàn về nhân quả. Đây chính là mối liên hệ qua lại, nguồn gốc phát sinh của các hiện tượng, hiện tượng này được gọi là nguyên nhân, sản sinh ra hiện tượng khác, được gọi là kết quả hoặc hậu quả. Trong nhân quả, người ta phân biệt nguyên nhân đầy đủ và nguyên nhân đặc thù. Nguyên nhân đầy đủ là sự tập hợp tất cả những hoàn cảnh khác nhau mà khi xuất hiện thì nhất thiết xảy ra những kết quả (hậu quả) tương ứng. Nguyên nhân đặc thù là sự việc xảy ra trong một hoàn cảnh nào đó mà khi xuất hiện sẽ mang lại một kết quả (hậu quả) tương ứng.

 Trong kết quả (hậu quả) cũng tương ứng như vậy. Nguyên nhân và kết quả (hậu quả) là những vòng khâu tác động qua lại, trong đó, kết quả do nguyên nhân quy định; đến lượt mình, kết quả lại đóng vai trò tích cực bằng cách tác động ngược trở lại đến nguyên nhân. Mối liên hệ nhân quả mang tính chất khác nhau, qua lại, nhiều vẻ, nhiều chiều, không nên quy chúng thành một hình thức duy nhất nào. 

Phạm trù tính nhân quả là một trong những phạm trù chủ đạo của công tác nghiên cứu khoa học và của công tác lãnh đạo, quản lý. Người nghiên cứu khoa học giỏi và người lãnh đạo giỏi bao giờ cũng nhằm vào việc phát hiện ra những mối quan hệ phụ thuộc nhân quả cơ bản. Làm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo kiểu mồm nói vì dân, còn trong lòng thì bắt dân phải vì mình, phụng sự mình, tham nhũng, quan liêu, giải quyết công việc theo cảm tính, nhất định sẽ phải chuốc lấy những hậu quả khôn lường. Sống bạc ác, giết người, đánh người, bắt nạt người yếu đuối, lừa đảo, trộm cướp, hãm hại đồng nghiệp, dìm người tài giỏi, xử tệ với nhau là những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tương ứng, gọi là “báo ứng”. Đó là luật nhân quả. “Quả” không chỉ là “kết quả”, mà còn là “hậu quả”.

Tôi không phải là một nhà triết học, nhưng cũng cố gắng làm bài thơ Bàn về nhân quả với lòng mong muốn chân thành góp phần cùng với các nhà triết học nghiên cứu về nhân quả. Ở nơi đất khách quê người, nhiều khi rỗi rãi, chẳng biết làm gì ngoài làm thơ và đi du lịch khắp châu Âu.