NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
GS,TS Đàm Đức Vượng
Sau một thời gian công tác dài ngày ở nước ngoài, trở về nước, tôi có nguyện vọng được chuyển sang công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương. Nguyện vọng đó đã được đáp ứng. Ngày 14-10-2002, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng ký quyết định số 12/QĐ-HĐLLTW: “Về việc tiếp nhận cán bộ, công chức, đồng chí Đàm Đức Vượng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước, về công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương, là thành viên Ban Thư ký của Hội đồng Lý luận Trung ương Nhiệm kỳ 2001-2005”. Ít lâu sau, tôi được bổ nhiệm kiêm chức Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương. Tôi làm việc với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng trong suốt thời gian ông làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP
Hôm đầu đến làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đến chào và báo cáo với Chủ tịch, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng và Ban Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng và Ban Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tôi rất thân tình, tự nhiên. Ông nắm chặt tay tôi, rồi ôm hôn tôi, nói với tôi: “Hãy cố gắng nhé”. Cử chỉ thân mật này làm dậy lên trong tôi niềm phấn khởi, say mê, được trở lại với công tác nghiên cứu khoa học – lý luận – lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã ôm ấp suốt cả cuộc đời. Làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi thật sự được sống trong bầu không khí khoa học. Những năm, tháng làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đã làm được nhiều việc có ích, viết được nhiều cuốn sách, chuyên đề, bài nghiên cứu, trong đó có những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu của tôi là lý luận kết hợp với thực tiễn, lịch sử kết hợp với lô gích. Phương pháp này tỏ ra rất có hiệu quả.
Trong quá trình làm việc với Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy ông là một người lịch thiệp, sống giản dị, thân tình, không bao giờ cáu gắt, nặng lời với cấp dưới, mà thay vào đó là sự chỉ bảo ân cần. Những vấn đề gì viết còn sơ lược, ông chỉ ra ngay để chúng tôi khắc phục. Ông rất thích những bài mang tính khái quát cao và tính cụ thể. Ông nói rằng, khái quát khác với chung chung. Khái quát là mang tính lý luận, chung chung là mang tính hình thức. Còn tính cụ thể là viết sâu sắc, phân tích vấn đề cho ra lý ra lẽ. Tôi rất thích phương pháp làm việc của Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phú Trọng là phương pháp gợi mở, thoáng, không áp đặt. Chính phương pháp gợi mở đã tạo nên cho các nhà khoa học của Hội đồng, trong đó có tôi, phát huy được sở trường nghiên cứu và khắc phục được sở đoản. Tôi nghĩ rằng, làm việc theo phương pháp gợi mở vẫn là phù hợp nhất trong tình hình nghiên cứu hiện nay. Phương pháp ấy không những không áp đặt, mà còn khêu gợi tính sáng tạo, chủ động nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong Hội đồng. Ông không thích viết theo lối “tầm chương trích cú”, mà phải thể hiện ý của mình trong văn cảnh, phải đi thẳng vào vấn đề để mổ xẻ nó ra.
Năm 2005-2006, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng chủ biên một cuốn sách rất có giá trị, nhan đề: “Đổi mới và phát triển ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Cuốn sách này là kết quả của việc nghiên cứu đề tài khoa học: “Đổi mới và phát triển ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (Mã số: ĐTĐL-2003/18) là Đề tài độc lập cấp nhà nước do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng làm Chủ nhiệm đề tài, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ làm Phó Chủ nhiệm Đề tài. Khi nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Cuốn sách này đã được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2006, in 1.000 cuốn, phát hành rộng rãi ra toàn xã hội. Tôi vinh dự là thành viên của Đề tài biên soạn cuốn sách này. Trong quá trình biên soạn cuốn sách, chúng tôi được Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo biên soạn, biên tập hết sức chặt chẽ, thường xuyên gọi điện cho chúng tôi nói phải thêm ý này, ý nọ vào cuốn sách. Chỗ nào viết sai là ông phát hiện ra ngay và yêu cầu những người biên soạn, biên tập phải sửa chữa cho bằng được. Đó là phong cách của một nhà lãnh đạo, nhà khoa học tầm cỡ.
Qua nghiên cứu, tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi bật lên những điểm sau đây:
Một là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra sức bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm cho xã hội chủ nghĩa tồn tại lâu dài ở Việt Nam. Ông vẫn thường xuyên nói rằng, Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao tính cách mạng và khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Có người lo rằng, liệu người kế vị ông có được như ông trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không? Bởi vì, hiện nay, có người cho rằng, chỉ cần nói chủ nghĩa xã hội là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự ngộ nhận. Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh hiện nay là khó, đòi hỏi người kế vị phải kiên định lập trường tư tưởng, phải hết sức vững vàng, bản lĩnh, thì mới có thể đứng vững được.
Hai là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhắc đến sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc làm cho đất nước độc lập giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc; không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế (thực tiễn), hết sức tôn trọng khách quan trong quá trình lãnh đạo. Đảng phải phòng và chống những nguy cơ lớn như sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Với ông, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chất lượng là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, ông hết sức chú ý đến công tác cán bộ, bởi vì ông thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Ba là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận tầm cỡ. Lý luận của ông được thể hiện trong những cuốn sách của ông. Lý luận của ông là gắn với thực tiễn, bám sát thực tiễn, không xa rời thực tiễn. Lý luận là kinh nghiệm đã được khái quát trong ý thức của con người, là toàn bộ những tri thức và thế giới khách quan, có tác dụng tái hiện trong thực tiễn của hoạt động của con người. Thực tiễn – đó là hoạt động của con người nhằm bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Lý luận và thực tiễn là ở trong một thể thống nhất gắn bó, cái này không tồn tại nếu không có cái kia, và hai cái luôn luôn tác động lẫn nhau.
Bốn là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng đến tiến trình đổi mới ở Việt Nam. Ông nói rằng, đổi mới là một quá trình thống nhất, mang tính quy luật trong sự phát triển của xã hội, loại bỏ những gì kìm hãm và cản trở sự phát triển, tổ chức lại xã hội, đưa vào cơ chế vận hành của xã hội một hệ thống đồng bộ các yếu tố vật chất và tinh thần, tạo thành lực lượng cho sự phát triển. Đổi mới là quá trình giải phóng tư tưởng, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của con người, bảo đảm sự tự do phát triển của mọi người. Việc nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật này, lấy đó làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn là một điều kiện tiên quyết để phát huy vai trò của con người, thúc đẩy xã hội tiến lên. Ông không phải là người đầu tiên đề xuất đường lối đổi mới, nhưng ông đã kế thừa một cách xuất sắc những tư tưởng đổi mới của các Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… Ông nói rằng, trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để từng bước làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tiến trình đổi mới.
Năm là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ (Ông viết hoa cả chữ “Đảng”, “Nhà nước”, “Nhân dân). Vấn đề này đã được đặt ra từ Đại hội VI (1986) của Đảng và được phát triển lý luận trong những Đại hội nhiệm kỳ tiếp theo. Ông viết: “Phương hướng cơ bản để thực hiện cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là mở rộng và thực thi dân chủ, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, mở rộng và bảo đảm sự tham gia của Nhân dân vào xây dựng Đảng, quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ; hoàn thiện bộ máy nhà nước”1. Ông nhận định: “Đảng ta nhận thức rõ Đảng Cộng sản cầm quyền là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc để làm cho đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của xã hội, thông qua hệ thống tổ chức của Đảng và đảng viên để lãnh đạo, xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước. Đồng thời, Đảng và Nhà nước lãnh đạo Nhân dân thường xuyên tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, nhờ vậy, mục tiêu của Đảng được thực hiện trong phạm vi quốc gia, dân tộc. Đảng lãnh đạo xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không làm thay công việc của Nhà nước. Đảng quan tâm xây dựng, củng cố Nhà nước, phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều hành đất nước”2. Đó là mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước, Nhân dân làm chủ.
Sáu là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay. Vấn đề này được thể hiện rõ nhất trong bài phát biểu của ông khai mạc Hội nghị Trung ương Trung ương 6, khóa XIII, ngày 3-10-2022. Ông luận rằng, “chính quyền nhà nước là vấn đề cốt tử của mọi cuộc cách mạng. Khi chưa có chính quyền, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo giành cho được chính quyền về tay Nhân dân. Khi đã có chính quyền thì phải luôn luôn củng cố, giữ vững và tăng cường sức mạnh của chính quyền về mọi mặt”3. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, phải “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”4. Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các nhà lãnh đạo, nhà chính trị, nhà khoa học phải “tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp”5.
Bảy là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiên cứu sâu về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông thấy rằng, cần phải làm rõ hơn định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần. Ông và một số người khác đồng tình nêu vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vần đề này rất mới, nên được thảo luận sôi nổi tại Đại hội IX. Văn kiện Đại hội IX nêu vấn đề: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”6.
Tám là: Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này chưa bao giờ được làm mạnh mẽ, quyết liệt, liên tục trong những năm vừa qua và hiện nay. Ông đã có hẳn một cuốn sách “Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”. Dư luận xã hội đánh giá cao cuốn sách này. Ngoài cuốn sách ra, những phát biểu kết luận của ông tại các hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng và những phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã gây một tiếng vang lớn. Ông vẫn thường nói, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là một việc làm cần thiết, không thể xem thường, phải làm từ sớm, từ xa, làm từ gốc đến ngọn để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực được ông chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Với ông, “tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Ông cho rằng, đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng là một biện pháp để phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Quan điểm của ông là muốn chống tham nhũng tốt, trên dưới phải đồng lòng, dọc ngang thông suốt và phải phát huy được lực lượng nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông nhận định rằng, việc xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng vi phạm pháp luật là làm cho Đảng mạnh lên, chứ không phải làm cho Đảng yếu đi.
Chín là: Đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi tiên phong trong việc chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Năm 2002, Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn và xuất bản cuốn sách “Vững bước trên con đường đã chọn” (tái bản năm 2004) và năm 2004, Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn và xuất bản tiếp cuốn sách “Lẽ phải của chúng ta”. Cả hai cuốn sách này đều có bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Ông viết: “Kể từ sau sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, các nhà tư tưởng chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội lại càng được dịp lấn tới, phê phán, đả kích vào chủ nghĩa Mác – Lênin hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta và đẩy chúng ta đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội”7. “Từ chỗ phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, có người kết tội luôn Hồ Chí Minh, rằng ông Hồ du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm, là nguyên nhân “đưa đất nước vào vòng tối tăm, trì trệ, đổ vỡ, nhục nhã, đau đớn” (?!). Từ đó, họ lớn tiếng đòi Đảng ta phải từ bỏ học thuyết Mác – Lênin trước khi còn chưa muộn”8. “Suốt nhiều thập kỷ qua, các thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội tìm đủ mọi cách, dùng đủ mọi thủ đoạn đánh vào Đảng Cộng sản, phá rã tổ chức đảng, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Riêng về mặt tư tưởng, lý luận, họ sử dụng mọi phương tiện để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin (ở Việt Nam còn là tư tưởng Hồ Chí Minh), đánh vào đường lối chính trị, mục đích, lý tưởng của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đánh vào nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ; kích động chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân,… Đó là sự chống đối toàn diện, khá bài bản, rất quyết liệt và thâm độc”9… Từ sự chống phá quyết liệt đó, ông kêu gọi nhiệm vụ của chúng ta là phải kiên quyết phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Mười là: Trong cuộc sống và trong hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người xuất sắc trong việc thực hiện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông xứng đáng là một học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện ở nhân cách sống và làm việc mẫu mực của ông, gương mẫu, đi đầu, tận tụy với công việc; đức tính khiêm tốn, nếp sống giản dị, đời tư trong sáng; nghiên cứu khoa học nghiêm túc; có bản lĩnh chính trị, vững vàng trong lãnh đạo và trong khi giải quyết công việc. Đạo đức của ông còn thể hiện lòng trung thành với cách mạng, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng của ông còn thể hiện ở chỗ gần dân, thân dân, vì nhân dân phục vụ. Chính vì vậy mà ông được nhân dân yêu mến, được đồng chí tin tưởng.
Con người ấy đã đi vào lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc!
------
1. Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 61.
2. Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 62.
3. Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 103,104.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 174.
5. Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 106.
6. Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 60, tr. 181.
7. GS,TS Nguyễn Phú Trọng: Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin?, in trong sách: “Vững bước trên con đường đã chọn” (Tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 9.
8. GS,TS Nguyễn Phú Trọng: Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin?, in trong sách: “Vững bước trên con đường đã chọn” (Tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 1.
9. GS,TS Nguyễn Phú Trọng: Vấn đề Đảng cầm quyền và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, in trong sách “Lẽ phải của chúng ta”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 13.