Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
1. Có một ông vua đầu óc xán lạn
Tên ngài là Tịnh Phạn và vợ ngài Hoàng hậu Mada.
Cả hai người đức độ vị tha.
Một hôm Hoàng hậu Mada trai giới1.
Bà mộng thấy con voi trắng sáu ngà
Ngậm cành sen sà xuống lòng Bà.
Rồi Bà đưa tay vịn một cành hoa.
Thế là Thái tử Tất Đạt Đa2 sinh ra.
Đêm ấy đúng ngày trăng rằm
Cả bầu trời bát ngát ánh sao xa.
Ngài thuộc dòng họ Thích Ca.
Ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn, xứ Ca Tỳ La3.
Bên bờ sông Rôhini điểm tuyết sương pha.
Loài người được chứng kiến Đức Giác Ngộ sinh ra.
Ngài có tướng tốt, văn chương, võ nghệ tài ba.
Một hôm, Thái tử phóng ngựa ra thành du ngoạn đầu xuân.
Đâu đâu cũng thấy người người cực khổ trăm phần.
Ngài buồn thương, trầm tư mặc tưởng.
Vua Cha lo lắng bội phần, liền cưới vợ cho Chàng.
Lấy công chúa đẹp như bông hoa, nàng Daduđàla.
Cầu mong cha Chàng có được đôi chút khuây khoa.
Chàng càng buồn rầu, trông tiều tụy như héo nụ hoa.
Chàng muốn biết nguyên nhân đau khổ của kiếp người.
Tìm ra lối thoát và cách thức diệt khổ đau.
Một ngày ảm đạm, Chàng lặng lẽ từ biệt vợ con
Quyết đi tìm sự giải thoát cho những kiếp lầm than.
Để cho đời vơi đi những lỗi thác oan.
Để cho đời ấm lên với ánh nắng chiếu tràn.
Khi đến bờ sông Anôma, Ngài vấn an
Liền xuống ngựa, mặc áo thường dân, lấy gươm cắt tóc.
Rồi bảo Xanặc về thưa với Vua Cha
và nói với nàng Công chúa Daduđàna xin đừng than
khóc về chí hướng và mục đích ra đi của Ngài.
Ngài hành khất đến thành Vương Xá
Tìm thầy học đạo và suy ngẫm sự đời.
Tiếc thay, các thầy tư tưởng lại rất chơi vơi
Không giải đáp được điều Ngài mong muốn.
Ngài liền hành trình đến Bồ Đề Đại Tràng
Để tu thân với niềm hy vọng an khang.
Sáu năm khổ hạnh tiều tụy thân tàn
Ngài vương vấn một chút hoang mang
Nên có nhận dùng bát cơm và sữa của nàng Sujâta dâng cúng.
Hành vi của Ngài làm cho năm người bạn đồng tu lúng túng
Cho rằng Ngài đã bị cám dỗ bởi quỷ ma.
Từ đây, trên chặng đường tu hành chỉ còn một Thích Ca.
Ngài đến bờ sông Ni Liên Thuyền rực rỡ ngàn hoa.
Tắm rửa xong, Ngài thiền định dưới gốc cây Tất Bát La4.
Với lời nguyền quyết tâm đắc đạo.
Vào một đêm trăng rằm tháng tư âm lịch
Ma Vương biết Ngài sắp vào cầu đắc đạo
Liền sai mỹ nữ đến quyến rũ với sắc đẹp lung linh
Muốn cho Ngài bị lầy lội trong cõi mê tình.
Để quên đi những gì gọi là đạo lý quang minh.
Với nghị lực phi thường, Ngài đã thắng được chính mình.
Gạt bỏ Ma Vương bằng những phép diệu kỳ linh
Để trở thành người giác ngộ cỡ siêu nhân
Vào lúc tuổi đời đúng ba mươi lăm
Đến nay đã là hai nghìn năm trăm năm.
2. Với Ngài, trần đời có bốn điều khép mở:
Khổ - nhân khổ - sự tiêu diệt khổ - con đường diệt khổ
và chỉ ra tám cách diệt khổ đau.
Ngài cho đó là tám phép nhiệm màu.
Đó là: chính kiến - chính nghĩ - chính ngữ - chính nghiệp -
chính mệnh - chính chân - chính định - chính niệm.
“Bát chính” của Ngài sao mà thánh thiện.
Song sự đời lại rắc rối biết bao nhiêu chuyện.
Rồi chính đời Ngài cũng có lúc thoát được khổ đâu
Trong lúc nhân loại vẫn còn bao nỗi u sầu.
Rút cục, vẫn đắm đuối giữa dòng hỡi Đức Phật ơi!
Và “bát chính” của Ngài vẫn chỉ là nếp sống đạo đức thôi.
Ngài nói: Con người là một tổng hợp vật chất, tinh thần
Nên người xấu (ácsimê) có thể sẽ là tốt lành.
Họ vẫn có thể ấm lên trong cõi lòng nguội lạnh.
Lời Ngài nói là lời biện chứng
Vì Ngài đã thấy được sự vận động của con người.
Ngài muốn khai sáng cho con người
thấy được sự thật của cuộc đời
mặc cho sự thật đó sao quá chơi vơi
nó luôn luôn trôi lơ lửng giữa dòng đời.
Tâm tưởng Ngài muốn từ - bi - hỉ - xả.
Tiếc thay đời lại bao phen vất vả
Nước mưa trời, nước mắt đời rong rơi lã chã.
Bởi sự vật vốn đã là vô ngã
Như Ngài đã lý giải về cuộc sống con người.
Ngài không ô nhiễm cuộc đời.
Nhưng cuộc đời đã ô nhiễm Ngài.
Chính vì vậy mà Ngài đã trở thành Phật
Thích Ca Mâu Ni!
Đạo lý duyên khởi mấy khi là sự thật
Khi nhận thức chủ quan và đối tượng khách quan
bị hiểu thiên lệch.
Trên thực tế nó đã bị người đời làm xộc xệch
Lôi kéo cái này ngả sang cái kia
Mà không biết rằng tự nó đã phân chia.
Ngài nói: “Cái này có sẽ có cái kia
Cái này sinh thì cái kia sinh
Cái này không thì cái kia không
Cái này diệt thì cái kia diệt”.
Lời Ngài dạy đời cho là rất tuyệt.
Nhưng thưa đấng siêu nhân đời còn là hơn thiệt
Diệt - sinh - sinh - diệt như ngọn sóng hạ xuống nhô lên
Làm cho đời đắm đuối với cơn ác mộng triền miên.
Ngài muốn đưa loài người đến cõi Niết Bàn.
Muốn tưới dòng đời cho khắp thế gian.
Khi tham - sân - si tiêu diệt con người sẽ được sống yên lành.
Tư duy của Ngài thể hiện tấm lòng nhân.
Ngài cho rằng nếu không tạo nhân sống chết
Nên cũng không còn khái niệm sống chết.
Người chết là tiếp tục của sự sống trong một trạng thái khác.
Nó cuốn nhau chảy xiết như một dòng thác
Tiếp diễn liên hồi trong khoảnh khắc của thiên nhiên.
Ngài nói: Không có cái “ai” ở ngoài sự sống đến cai quản
cuộc sống cõi trần gian.
Ngài đã đưa con người trở về hiện thực khách quan.
Tư tưởng này của Ngài sáng lóe lên ở khắp thế gian.
Nó phủ lên trong đổ nát hoang tàn.
Ngài khuyên loài người không được sát sinh,
không trộm cướp, không gian tà, không nói dối,
không bê tha, không tham lam, không tàn bạo, không tà kiến.
Nói chung lại không làm điều ác và hướng vào điều thiện.
Ngài muốn ngăn loài người không tham chiến
Sống với nhau bằng tình thương và điều kiện.
Đó là tấm lòng cao muôn trượng của Ngài
Nó sáng bừng lên lồng lộng giữa trần ai.
Ngài nói: Ta không có quyền ban phước cho ai
Chỉ hướng cho con người con đường đi đến cam lai
Bằng việc đem tâm - thức để xây đắp ngày mai.
Lấy đó làm lý sống và lẽ sống ở đời.
Với Ngài mọi sự khác nhau của loài người
đều do nghiệp quyết định cả rồi.
Đó là học thuyết nhân quả sáng ngời.
Để răn loài người và răn cuộc đời hãy sống cho tốt tươi.
Ngài giảng giải về nhân - duyên - nhân - quả.
Nhân sinh ra quả - quả từ nhân mà sinh.
Quả - nhân - nhân - quả là một kiếp luân tình.
Với Ngài nhân - quả là cái tất nhiên
Bởi con người là sản phẩm của quy luật tự nhiên.
Ngài muốn giải thoát khổ đau bằng giá trị đạo đức tôn nghiêm.
Hậu thế đánh giá cao Ngài và tôn Ngài là người hiền.
Nhân loại còn phải bổ sung bao học thuyết
Mà vẫn chưa giải thoát được cho con người hết khổ đau.
Dù sao học thuyết của Ngài vẫn có phép nhiệm màu.
Chùa thờ Ngài trên trần gian vẫn nghi ngút khói hương.
Tấm lòng từ bi của Ngài vẫn tỏa sáng bốn phương.
Nhân loại xin cúi chào Ngài
Hỡi Đức Phật linh thiêng!
Thích Ca Mâu Ni!
Praha, Séc, đêm 4 đến 8 -1-2002
GS,TS Sử học, Cử nhân Ngữ văn
Đàm Đức Vượng
------
1. Trai giới: Ăn chay và làm theo đúng quy định cúng lễ.
2. Đức Phật mang các tên: Thích Ca Mâu Ni, Tất Đạt Đa, Gôtama, Saakyamuni,... Những tên chữ này là sự phát âm khác nhau của ngôn ngữ các nước khác nhau về tên dòng họ Thích Ca.
3. Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) là xứ nằm ở biên giới Ấn Độ - Nêpan (Népan).
4. Cây Tất Bát La: Cây Bồ Đề.
Lời Tác giả: Trong những năm, tháng công tác tại châu Âu, tôi nhận ra một điều là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người rất tôn sùng Đạo Phật. Họ xây chùa thờ Phật để được đón nhận những điều từ bi bác ái từ Đức Phật linh thiêng. Tôi thấy trong nhiều gian hàng của người Việt Nam ở Nga, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slôvaki, Liên bang Đức, Ba Lan, Hunggari, Thụy Điển,... có thờ tượng Phật. Hằng ngày, trước khi mở cửa bán hàng, họ thắp nén hương, cúng Phật. Điều đó chứng tỏ họ rất sùng bái Đạo Phật. Tôi cũng đã đi tới quê hương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở vùng biên giới Nê Pan - Ấn Độ, tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cũng đã mua được những cuốn sách và những kỷ vật về Đức Phật. Tôi còn nhớ thuở nhỏ, chiều nào mẹ tôi cũng dẫn tôi lên chùa Làng và chùa Cổ Lễ ở Nam Định để cúng Phật. (Nhà tôi ở cách chùa Cổ Lễ chỉ có hơn 1 km). Từ đó, tôi bắt đầu suy ngẫm về Đức Thích Ca Mâu Ni và Đạo Phật.
Từ khi Đạo Phật ra đời, đã có nhiều người nghiên cứu học thuyết đạo đức này. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga,... đều viết những cuốn sách về Đạo Phật. Tại Việt Nam cũng đã xuất bản những cuốn sách về Đạo Phật: “Lịch sử Đức Phật Thích Ca” của Hòa thượng Thích Minh Châu; “Sự thật về Phật Giáo ở Việt Nam” của Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, in trong cuốn “Lẽ phải của chúng ta”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; “Tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật Giáo” của GS Tế Quần (Trung Quốc), đã được Thích Nhuận Đạt dịch ra tiếng Việt với tên sách là “Đạo Phật và môi trường” (Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2010), v.v..
Những cuốn sách viết về Đạo Phật đã góp phần vào việc làm sáng tỏ thêm tư tưởng của Phật Giáo. Tuy nhiên, trong cách giải thích và dẫn sự kiện về Đạo Phật, có một số cuốn sách lại không giống nhau. Thí dụ, như cuốn sách “Từ điển triết học” do tập thể các nhà khoa học Liên Xô trước đây biên soạn, ghi Phật Giáo ra đời từ thế kỷ III trước Công nguyên. Một cuốn sách khác xuất bản ở Việt Nam lại ghi Phật Giáo ra đời từ thế kỷ VI trước Công nguyên,...
Ông tổ sáng lập ra Đạo Phật là Thích Ca Mâu Ni (Tất Đạt Đa,...). Ý nghĩa của chữ “Thích Ca Mâu Ni” là “Đấng Sáng Suốt”. Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Đạo Phật ra đời với hơn 2500 năm hiện diện trên thế giới, dù phải trải qua những thăng trầm của lịch sử, song, Đạo Phật đã tự khẳng định mình trong đời sống xã hội, có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện nhân cách của mỗi con người, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hòa bình của mỗi quốc gia.
Những người theo Đạo Phật chuyên nghiệp, thường lấy tên họ của mình là “Thích”, “Đàm”.
Sức mạnh của Đạo Phật chính là sự giải thoát khổ đau cho nhân loại cần lao bằng cách từ chối những ham muốn và đạt tới “Sáng suốt Tối cao” - Niết Bàn. Khi mới ra đời, Đạo Phật đã được xem là một tôn giáo chính thức. Sau khi ra đời, Đạo Phật lan truyền ở nhiều nước phương Đông như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nê Pan, Miến Điện (Mianma), Thái Lan, Lào, Campuchia,... Đạo Phật đã truyền vào nước ta khá sớm. Hòa thượng Thích Thanh Tứ viết: “Đạo Phật được truyền vào Việt Nam đến nay đã 20 thế kỷ, vốn có tư tưởng truyền thống gắn liền với sinh hoạt văn hóa “nông nghiệp lúa nước”, một nền văn hóa nhân bản bao dung, trí tuệ và khai phóng, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát. Chính vì thế mà Đạo Phật đã được nhân dân Việt Nam đón nhận một cách trân trọng có chọn lọc”. “Với nước ta, Đạo Phật đã từng là quốc giáo trong suốt chiều dài lịch sử Đinh, Lê, Lý, Trần gắn liền với tên tuổi và tư tưởng của các vị thiền sư, pháp sư, quốc sư như Khuông Việt, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông,...” (Bài viết của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, đã dẫn, tr. 210,211).
Qua nghiên cứu, tôi thấy Đức Phật đi tìm sự giải thoát khỏi đau khổ của loài người không phải trong những cải cách xã hội, trong cuộc đấu tranh với những lực lượng thiên nhiên, mà trong việc hoàn thiện về mặt đạo đức, một việc có thể đạt được bằng cách xa lánh cuộc sống, đi vào Niết Bàn. Khi Đạo Phật ra đời, môn phái “Tiểu thừa” trong Đạo Phật dần dần xuất hiện. Cho đến những thế kỷ đầu sau Công nguyên, Đạo Phật coi việc cứu vớt con người phụ thuộc vào trời đất. Từ đấy, một môn phái mới của Đạo Phật ra đời mang tên “Đại thừa”. Đến đây, Đạo Phật có hai dòng: “Tiểu thừa” và “Đại thừa”. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người cũng không phân biệt quá rạch ròi giữa Tiểu thừa và Đại thừa và mỗi khi vào chùa cúng Phật, người ta chỉ chung một ý niệm “cứu nhân độ thế”. Tôi có hỏi một số vị Đại đức, Hòa thượng là các vị theo “Tiểu thừa” hay “Đại thừa”, các vị đó đều nói chúng tôi theo học thuyết của Nhà Phật. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học về Đạo Phật, người ta vẫn đi sâu nghiên cứu riêng về Tiểu thừa và Đại thừa nằm trong sự nghiên cứu chung về Đạo Phật. Các nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây cho rằng, khi Phật Giáo Đại thừa xuất hiện, nội dung triết học của Đạo Phật cũng có sự thay đổi. Phái Tiểu thừa cho rằng, vật chất và tinh thần là cái có thật, thế giới là có thật. Phái Đại thừa lại cho rằng, vật chất và tinh thần là cái không có thật, thế giới là không có thật. Dù sao, Đạo Phật là học thuyết về đạo làm người, về sự giải thoát cho con người thoát khỏi cảnh khổ đau. Vấn đề nhân quả trong tư tưởng Đạo Phật được xem như một quy luật “gieo nhân lành gặp quả thiện”, “gieo gió gặt bão”. Vấn đề tâm linh cũng được đặt ra trong tư tưởng Đạo Phật. Giáo sư Tế Quần viết: “Phật Giáo nhận định: Tâm linh là lực lượng trọng yếu dẫn dắt hành vi con người. Tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh, tâm ô nhiễm thì quốc độ ô nhiễm” (đã dẫn, tr. 20).
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là giải quyết vấn đề đạo đức trong Đạo Phật phải đồng thời giải quyết vấn đề xã hội trong chính trị của một nhà nước. Nếu không giải quyết được vấn đề xã hội, thì vấn đề đạo đức cũng khó hoàn thiện.