Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 95 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930-3-2-2025)

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cách mạng sáng tạo


GS,TS Đàm Đức Vượng


Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói:

“Đảng ta vĩ đại thật. Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, nhân dân ta là vong quốc nô. Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra. 

Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn tới cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong"1.

Rõ ràng, không có Đảng Cộng sản Việt Nam không có nước Việt Nam độc lập thống nhất, nhân dân không có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.



Trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ cách mạng. Năm 1920, Người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, chân lý của thời đại. Từ đây, Người đã mở ra con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Cũng trong năm 1920, Người gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành từ cuối năm 1924, khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về tới Quảng Châu, Trung Quốc.

Công việc của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu là chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ trương thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông Dương, trước hết là ở Việt Nam. Người cũng chủ trương xây dựng một ý thức hệ mới, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), hạt nhân là Cộng sản Đoàn. Đây là một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại một địa điểm ở đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hương Cảng (Hồng Kông) từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản ở trong nước được thành lập trước đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Đại biểu chính thức dự Hội nghị: Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Chủ trì; Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng. Đại biểu dự thính: Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu (hai vị này lúc ấy hoạt động ở nước ngoài).

Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lúc ấy mới thành lập (1-1-1930), lại nhận được giấy mời chậm, nên không kịp cử đại biểu đi dự. Nhưng sau khi Đảng được thành lập, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được Đảng chấp nhận.

Hội nghị nhất trí đặt tên: “Đảng Cộng sản Việt Nam”2.

Hội nghị thông qua các văn kiện: “Năm điểm lớn”; “Chánh cương vắn tắt của Đảng”; “Sách lược vắn tắt của Đảng”; “Chương trình tóm tắt của Đảng”; “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Báo cáo tóm tắt Hội nghị”; “Lời kêu gọi”.

Các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng nêu rõ cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”3. Nhiệm vụ của tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng là chống đế quốc và chống phong kiến.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam nổi bật lên mười sáng tạo lớn:

Một là: Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”4. Sự kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng vào đầu năm 1930 là nét sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam khi thành lập Đảng.

Hai là: Vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước, là sự vận dụng sáng tạo lớn của Đảng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng không dừng lại mà tiến ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, trước hết là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nếu như ở các nước đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, các nhà cách mạng chủ trương thực hiện cuộc cách mạng vô sản, thì ở một nước thuộc địa và phụ thuộc như Việt Nam, Người chủ trương thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do dân tộc đó tự tiến hành. “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”5.

Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng (ý thức hệ) của Đảng và kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để giải quyết vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Ba là: Đảng đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là nét sáng tạo lớn của Đảng. Đảng không đặt vấn đề đấu tranh giai cấp thuần túy, đấu tranh dân tộc thuần túy, mà gắn đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là nét sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Bốn là: Đảng thực hiện song song hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh. Xây dựng để bảo vệ và bảo vệ để xây dựng là hai mặt của một tiến trình cách mạng Việt Nam, gắn kết với nhau, cái này tác động vào cái kia và cái kia tác động đến cái này, không bóc tách ra là nét sáng tạo lớn của Đảng. Hai nhiệm vụ này là một gắn kết cách mạng, thúc đẩy lẫn nhau để cùng nhau phát triển. Xây dựng và bảo vệ đều mang tính quy luật của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, thể hiện trong mọi hoạt động đối nội và đối ngoại thích ứng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là nghĩa vụ tinh thần và nghĩa vụ pháp lý của công dân Việt Nam. Xây dựng và bảo vệ gắn liền với những lĩnh vực hoạt động khác nhau, mang nhiều hình thức đa dạng, nhưng đều có một nhiệm vụ chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm là: Đảng xác định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là người làm nên chiến thắng lịch sử là nét sáng tạo lớn của Đảng. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng thể hiện ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng phải dân chủ với nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”6. Đây vừa là bản lĩnh, vừa là nét sáng tạo lớn của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Sáu là: Ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết quốc tế là nét sáng tạo lớn của Đảng. Sức mạnh của Đảng chính là sự đoàn kết này. Kết hợp một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển, khôn khéo, giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, là nét sáng tạo của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Củng cố và phát huy cao độ của hệ thống chính trị, phát huy có hiệu quả hoạt động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Bảy là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một nét sáng tạo lớn của Đảng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự khẳng định và thừa nhận nhà nước pháp quyền là một tất yếu lịch sử, nó không chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, mà là tinh hoa, sản phẩm trí tuệ của loài người, của nền văn minh nhân loại.

Quá trình đổi mới tư duy và hình thành quan điểm, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn liền với quá trình hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước, xuất phát từ những tiền đề kinh tế - xã hội và những ảnh hưởng, tác động của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Tám là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phong cách, xem đó là các mặt hợp thành trong một thể thống nhất của một đường lối chiến lược của Đảng là một sáng tạo lớn của Đảng.

Khi nói đến xây dựng Đảng, phải đặc biệt chú ý xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Phải coi vấn đề cán bộ không chỉ riêng của công tác tổ chức, mà cần có sự tác động của chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phong cách hợp thành. Vấn đề cán bộ phải có sự soi xét của nhân dân.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức (phương pháp) lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới; xem đổi mới phương thức lãnh đạo cũng là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Trong xây dựng Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Đảng và nhân dân; phải xem công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng là một bộ phận của sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.

Chín là: Đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó có lãnh đạo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho đất nước phát triển kinh tế lành mạnh, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc là nét sáng tạo lớn của Đảng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”7.

Đảng lãnh đạo kinh tế đóng vai trò rất quan trọng, vì nó là toàn bộ những mối quan hệ nhất định trong lịch sử, cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội; lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Hoạt động kinh doanh của Nhà nước bao gồm các ngành và các loại hình sản xuất tương ứng. Nền tảng vật chất của sự phát triển nền kinh tế là lực lượng sản xuất mà sự thay đổi của chúng dẫn đến sự biến đổi về chất. Khâu quan trọng nhất của nền kinh tế là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất.

Mười là: Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, là nét sáng tạo lớn của Việt Nam về đường lối đối ngoại của Đảng.

Tóm lại, cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”8.

Đảng vinh quang sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta!

------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 400.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 554.
Đến tháng 10-1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng đặt tên là: “Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Đến Đại hội II của Đảng (1951), Đảng lấy tên là “Đảng Lao động Việt Nam”. Đến Đại hội IV (1976), Đảng trở lại với tên “Đảng Cộng sản Việt Nam”.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 1.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 406.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 5.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 112.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr. 128.
8. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 3,4.