Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 50 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2025)

Cả nước tự hào về ngày 30-4-1975

GS,TS Đàm Đức Vượng



Vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), bên cạnh những bài báo mang tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, yêu chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, trên các trang mạng quốc tế đã và đang tung lên hàng loạt bài viết không đúng về sự kiện này. Đó là những luận điệu tuyên truyền phản động, chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bóp méo sự thật lịch sử mà không thể không phản bác lại. Sự thật thì nhân dân ta rất vui mừng vì có ngày 30-4-1975, ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đều đăng những bài viết về ngày 30-4-1975 với những cảm xúc rung động. Thực tế thì sau khi đất nước thống nhất, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Bộ mặt của đất nước rõ ràng là khang trang, đàng hoàng hơn trước rất nhiều. Vì vậy, làm gì có chuyện “sau 50 năm giải phóng, nhân dân ta vẫn đói khổ”. Bầu không khí “độc lập, tự do, hạnh phúc” đang bao trùm lên cả nước. Ngày này, không phải là ngày đau buồn của dân tộc, mà là một ngày vui, ngày hội tưng bừng từ Bắc vào Nam. Nhân dân cả nước rất tự hào vì có ngày 30-4-1975.



Lịch sử Việt Nam hiện đại đã chứng minh cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Cuộc cách mạng này bắt nguồn từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vì trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” (1930) do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, đã nêu rõ: Đảng “chủ trương làm tư sản dân quyền c.m”1 và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”2. Sau này, lý luận phát triển thành cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc. 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam khởi đầu cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đã đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 



Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vào ngày 30-4-1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, không có ngày 30-4-1975, nước Việt Nam không thể có độc lập, thống nhất.

Cách mạng tháng Tám xuất phát từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa  I của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 5-1941, quyết định tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Cách mạng 30-4-1975, xuất phát từ Hội nghị Trung ương 15, khóa II của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 1-1959, định hướng chiến lược cho cách mạng miền Nam, cách mạng miền Bắc nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình và con đường khởi nghĩa vũ trang. Nghị quyết chỉ rõ: 

“Cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội”3. Báo cáo chính trị tại Đại hội III của Đảng (1960), xác định: 

“Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”4.

Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III của Đảng, nhân dân miền Nam tiến hành những cuộc đồng khởi chống Mỹ - Diệm. Từ Bến Tre, phong trào đồng khởi đã lan tỏa ra toàn miền Nam Việt Nam. Về chính quyền cách mạng tại địa phương và cơ sở sau khi được giải phóng, giai đoạn đầu chưa đặt ra, nhưng lấy nông hội làm chức năng của chính quyền. Đây là một sáng tạo độc đáo trong lúc phía cách mạng chưa thể lập chính quyền tại địa phương và cơ sở ở miền Nam, trong khi chính quyền của địch tiếp tục tan rã trên phạm vi ngày cảng rộng lớn ở nông thôn. Nhân dân miền Nam lúc này áp dụng hình thức kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng ba thứ quân: bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương; dân quân du kích.

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20-12-1960 tại Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, một căn cứ cách mạng ở Bắc Tây Ninh, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Về Đảng, các tổ chức đảng ở địa phương và cơ sở ở Nam Bộ dần dần được khôi phục sau một thời gian bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn làm tan rã. 

Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam được thành lập vào ngày 23-1-1961, do Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. 

Ngày 27-11-1961, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 04, về việc đổi tên Trung ương Cục miền Nam thành “Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam”. Đây là một tổ chức hợp pháp để hoạt động. 

Công tác phát triển Đảng phát triển mạnh. Đến cuối năm 1961, toàn Đảng bộ miền Nam đã có trên 30 nghìn đảng viên.

Các lực lượng vũ trang toàn miền Nam cũng được thống nhất lại từ ngày 15-12-1961. Trung ương Đảng hết sức chăm lo xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đủ mạnh, có khả năng đánh thắng kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. 

Để có tư cách pháp lý trên chính trường thế giới, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 8-6-1969 do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn. 

Khi các tổ chức cách mạng được củng cố, phong trào nổi dậy của nhân dân lên rất cao, đã giáng cho quân xâm lược những đòn đau, buộc phải xuống thang. Các chiến dịch mở ra khắp nơi, thắng giòn giã, đã lần lượt đánh bại “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh phá hoại miền Bắc”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được mở ra từ ngày 26-4-1975 và toàn thắng vào ngày 30-4-1975, miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đến nay đã được 50 năm.

Trong khi nhân dân miền Nam chiến đấu ngoan cường chống Mỹ và tay sai, thì đồng bào miền Bắc ra sức thi đua vì miền Nam ruột thịt, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn anh hùng.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi của tinh thần yêu nước, đoàn kết, bất khuất, dũng cảm, tài thao lược, trí tuệ của nhân dân Việt Nam chống ngoại xâm; là thắng lợi của hai chiến lược cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai chiến lược được tiến hành đồng thời, trong đó, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ quân xâm lược và tay sai, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng lòng vùng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với khí thế hào hùng, vô cùng sôi động. Cuộc đụng đầu lịch sử này diễn ra hết sức gay go, quyết liệt, cuối cùng thì phần thắng đã về với nhân dân Việt Nam. Vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, toàn thể nhân dân Việt Nam đã quyết chiến và quyết thắng.

Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc huy động tổng lực sức mạnh to lớn của toàn thể nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới mà chính phía Mỹ cũng phải thừa nhận rằng, người Mỹ không thể đánh bại được một dân tộc như thế. 

Trong quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng, nhân dân ta luôn được sự ủng hộ, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mà trước hết là chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc, tạo những điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân Việt Nam cũng ghi được dòng chữ vàng “Độc lập, tự do” lên lá cờ đại nghĩa của mình.  

Qua sự phân tích khái quát trên đây, thấy rằng, nhân dân ta rất tự hào và vinh dự có ngày 30-4-1975, ngày vui của cả nước. Những luận điệu cho rằng, ngày 30-4-1975 là ngày quốc hận của cả dân tộc là những người thù hằn với dân tộc và lịch sử Việt Nam. 


 ------


1. c.m: cách mạng.  

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr. 2.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 20, tr. 62.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 21, tr. 486.